Nấm là một thực phẩm quen thuộc và giàu dinh dưỡng, tuy nhiên khi chế biến nấm bạn cần tránh một số thực phẩm như thịt lạnh, rau lạnh...
Ăn nấm có lợi ích gì cho sức khỏe?
Nấm là thực phẩm giàu dưỡng chất như chất đạm, các loại vitamin và khoáng chất, cùng các chất chống oxy hóa. Một số tác dụng của nấm bao gồm:
Giúp giảm cân hiệu quả
Nấm là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ít calo, rất phù hợp cho chế độ ăn kiêng hay muốn duy trì cân nặng. Khi thay thế 20% thịt bằng nấm trong bữa ăn thì cân nặng đã được giảm đáng kể. Không những vậy, nấm còn giúp bạn giảm lượng muối khi ăn nhờ nó có hương vị hấp dẫn.
Ví dụ, khi bạn thay 50% thịt bò xay bằng nấm, thì món ăn được nấu lên vẫn ngon và đậm đà, đồng thời cách chế biến này còn giúp cắt giảm tới 25% lượng natri. Việc giảm lượng muối này không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, chỉ ăn nấm thôi là không đủ, bạn nên kết hợp nấm cùng chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh và thường xuyên tập thể thao để giảm cân bền vững.
Hỗ trợ đường ruột
Nhờ giàu dưỡng chất mà nấm giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đồng thời tiêu thụ nấm còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển, từ đó hỗ trợ tiêu hóa. Đặc biệt, nấm kim châm còn giúp ngừa các bệnh viêm loét đường tiêu hóa, hay bệnh gan mật.
Kiểm soát huyết áp
Nấm chứa hàm lượng kali cao, đây là một khoáng chất quan trọng giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể và điều hòa huyết áp. Việc bổ sung nấm đúng cách và vừa phải cũng góp phần giúp giảm nguy cơ bị cao huyết áp, đồng thời cũng ngừa các vấn đề về tim mạch.
Có lợi cho tim mạch
Nấm chứa các hợp chất có thể giúp phòng ngừa các mảng bám tích tụ trong động mạch, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Do đó, nấm là một nguyên liệu nấu ăn không chỉ ngon mà còn hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Củng cố hệ miễn dịch
Nấm giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương. Ngoài ra, nấm còn giúp cải thiện hệ miễn dịch, từ đó giúp cơ thể chống lại một số bệnh lý nhiễm trùng. Vậy nên, bạn có thể thêm nấm vào thực đơn ăn uống của mình để nâng cao miễn dịch một cách tự nhiên.
Có lợi cho sức khỏe não bộ
Trong nấm có chứa các dưỡng chất có tác dụng giảm suy giảm nhận thức nhẹ, đặc biệt ở người cao tuổi. Một nghiên cứu ở những người 60 tuổi có tiềm năng này. Những người mỗi tuần tiêu thụ 2 cốc nấm có tỷ lệ bị suy giảm trí nhớ thấp hơn nhưng người không ăn nấm. Polyphenol và chất chống oxy hóa trong nấm còn có hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh như Alzheimer và Parkinson.
Nấm kỵ với thực phẩm nào?
Nấm là thực phẩm ngon, lành mạnh và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nấm cũng nên nấu với các thực phẩm phù hợp, có một số loại nấm không nên nấu cùng các loại thịt lạnh hay rau lạnh. Lý do là nấm có tính hàn và vị ngọt nên nếu nấu chung chúng với nhau có thể gây lạnh bụng hay tiêu chảy. Khi ăn nấm, bạn cũng không nên uống cùng nước lạnh hoặc trà đá.
Ngoài ra, khi đang ăn nấm, bạn không nên uống rượu vì việc này có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu và thậm chí là ngất xỉu.
Một số loại nấm kỵ với những thực phẩm sau:
- Nấm mèo đen kỵ củ cải, thịt vịt, ốc.
- Nấm ngân nhĩ kỵ đồ biển
- Nấm hương kỵ nấu chung với củ cải trắng, ốc, trứng vịt và đồ biển.
Việc nấu nấm đúng cách và tránh kết hợp với các thực phẩm kỵ là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe. Nếu bạn nấu nấm với những thực phẩm này có thể gây dị ứng, đau bụng....
Những ai không nên ăn nấm?
Ngoài việc khi chế biến nấm, bạn cần tránh kết hợp với các thực phẩm có tính hàn ra thì bạn cũng cần lưu ý rằng, không phải ai cũng thích hợp để tiêu thụ nấm. Dưới đây là những người nên không nên ăn nấm:
Người có hệ tiêu hóa yếu
Những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như khó tiêu, tiêu chảy, hoặc sức khỏe đường ruột yếu, nên tránh ăn nấm vì có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Người có cơ địa dễ dị ứng
Những người nhạy cảm hoặc dễ bị dị ứng cần thận trọng khi ăn nấm. Trước khi sử dụng, nên thử nghiệm với một lượng nhỏ để đảm bảo an toàn, đặc biệt là với các loại nấm lần đầu tiên bạn ăn.
Trẻ dưới 5 tuổi, người có vấn đề về sức khỏe
Những người đang bị sốt, trẻ dưới 5 tuổi, người chuẩn bị phẫu thuật, và người máu khó đông là những đối tượng cần tránh sử dụng nấm đông trùng hạ thảo để bồi bổ vì chúng có thể gây tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra, nếu bạn có vấn đề về sức khỏe, trước khi muốn ăn nấm bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Việc sử dụng nấm một cách hợp lý không chỉ giúp phát huy tối đa lợi ích mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho từng đối tượng cụ thể.
Khi sử dụng nấm cần lưu ý
Để tận hưởng lợi ích của nấm một cách an toàn và bổ dưỡng, bạn nên tuân thủ các lưu ý sau:
Ăn nấm chất lượng, sạch
Có rất nhiều loại nấm trên thị trường, nên nếu bạn muốn mua nấm để chế biến các món ăn thì cần đảm bảo đó là loại nấm ăn được, mua ở những nhà cung cấp uy tín, nấm có nguồn gốc rõ ràng, không chứa hóa chất hay chất bảo quản. Đặc biệt là không được tự ý hái nấm ngoài tự nhiên để ăn, vì có thể có nguy cơ ăn nhầm nấm độc.
Nấu chín nấm mới tiêu thụ
Nấm không được ăn tái hay ăn sống, thay vào đó bạn cần nấu nấm chín hoàn toàn mới ăn, việc ăn nấm sống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm tiêu chảy.
Sơ chế kỹ
Trước khi chế biến, nấm cần được làm sạch kỹ càng, loại bỏ chân nấm và ngâm nấm trong nước muối loãng khoảng 5- 10 phút, sau đó rửa sạch nấm rồi mới mang đi nấu các món ăn bạn yêu thích. Bên cạnh đó, bạn không được sử dụng nấm có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc, bị thối hay bị đổi màu, có mùi hôi khá thường.
Kiểm tra phản ứng cơ thể
Những ai bị dị ứng, nhạy cảm hay trẻ em thì cũng nên tránh ăn nấm. Nếu khi ăn nấm có dấu hiệu khác lạ, bạn nên dừng ăn ngay và tìm đến bác sĩ để được kiểm tra và xử lý kịp thời nhé.