
Trà xanh chứa nhiều caffein, L-theanin, tanin, kaempferol, quercetin, myricetin, cùng các loại vitamin, khoáng chất,... có lợi cho sức khỏe con người.
Thành phần của trà xanh gồm có chất gì?
Trà xanh là một loại đồ uống thơm ngon, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong trà xanh có nhiều thành phần hóa học nổi bật như:
L-theanine

L-theanine chiếm khoảng 1% trong búp trà khô và 2% trong lá trà bánh tẻ trồng dưới bóng râm (tương đương 0,2% ở lá tươi). Axit amin này được tổng hợp từ rễ và chuyển lên lá, L-theanine dễ chuyển hóa thành polyphenol khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mạnh. Đó cũng là lý do mà trà trồng dưới tán cây thường sẽ có hàm lượng L-theanine cao hơn và ít polyphenol hơn trà được trồng ở đồi.
Flavonol
Bao gồm 3 chất như kaempferol, quercetin và myricetin dưới dạng các mono-, di- và tri-O-glycoside của chúng. Đây đều là những thành phần góp phần tăng cường lợi ích sức khỏe. Có tối thiếu 14 chất đã được phát hiện. Trong quá trình lên men thì các flavonol này ít khi bị biến đổi.
Caffeine

Caffeine trong trà không bị biến đổi khi chế biến, hàm lượng caffein khác nhau tùy bộ phận trên lá chè. Búp trà (nõn tôm) và lá non đầu tiên chứa khoảng 4-7% caffein, còn lá thứ hai 4-5%, lá thứ 3 khoảng 3-7%, cuống thì có 1.9% caffein. Ở dạng lá chè bánh tẻ thì chỉ chứa khoảng 2%, caffeine tồn tại dưới dạng caffeine tanat, tác động chậm hơn so với caffeine trong cà phê, mang lại cảm giác tỉnh táo nhưng không bồn chồn như uống cà phê.
Tanin
Tanin là một loại polyphenol, chiếm từ 27- 34% trong trà và đây cũng chính là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Theo đó, chất lượng trà càng ngon thì lượng tanin càng cao và ngược lại. Trà đồi, nhờ quá trình quang hợp mạnh, nên loại trà này thường có hàm lượng tanin cao hơn trà vườn.
Nó là chất polyphenol có khoảng 7 loại catechin, trong đó 3 loại catechin như galocatechin, epicatechin, epigalocatechin có vị chát nhẹ, còn một loại catechin EGCG có vị đắng đặc trưng. Búp trà và lá non thứ nhất là bộ phận chứa nhiều tanin nhưng ít EGCG, nên vị chát nhẹ, ít đắng. Trà trồng trên đất giàu molipden có EGCG thấp có hương vị chát ngọt.
Tinh dầu và axit hữu cơ

Trà chứa tinh dầu kèm các axit như acetic, propionic cafeic, valeric, palmitic, butyric, caproic,... những chất này cũng là các dưỡng chất góp phần giúp tạo nên hương thơm đặc trưng cho trà.
Nguyên tố vi lượng
Kali và fluor là hai nguyên tố vi lượng nổi bật có trong trà, bên cạnh đó, trà có chứa khoảng 5-7% khoáng chất, trong đó nhiều nhất là kali, canxi, phốt pho và magiê và một ít mangan, kẽm, đồng… đây đều là chất quan trọng đối với cơ thể.
Vitamin

Trà tươi giàu vitamin như tiền chất vitamin A, các vitamin nhóm B như vitamin B2, vitamin B3, vitamin B5, vitamin C. Trà xanh có hàm lượng vitamin cao hơn hẳn các loại thực phẩm khác, do đó trà xanh là một loại đồ uống lành mạnh được nhiều người ưu chuộng.
Các axit amin
Hương vị trà đặc trưng, thơm ngon được tạo ra bởi các axit amin (Theanine) có trong trà. Trong đó, theanine chiếm hơn 60% tổng số axit amin và chỉ có trong trà. Các axit amin khác trong lá trà gồm có glutamine, asparagin, arginine và serine.
Theanine có những tác dụng tốt cho sức khỏe được chứng minh qua các thí nghiệm trên động vật, như giảm huyết áp và bảo vệ các tế bào thần kinh trung ương. Khi người uống trà có chứa theanine, sóng não của họ sẽ có nhiều sóng α hơn, nhất là khi họ đang ở trạng thái thư thái.
Diệp lục tố

Diệp lục tố là chất tạo màu xanh cho cây và nó có vai trò lớn trong việc quang hợp. Phương pháp trồng trà che chắn bằng thủ công để hạn chế ánh sáng, điều này làm trà cố gắng dùng lượng ánh sáng ít ỏi, làm cho chất diệp lục tăng lên.
Trong các loại trà được trồng theo phương pháp nuôi cấy che phủ để hạn chế ánh sáng, trà cố gắng sử dụng tối đa ánh sáng ít ỏi, làm cho chất diệp lục tăng lên. Điều này làm cho trà có màu xanh lục sậm hơn. Diệp lục có khả năng khử mùi, cải thiện chứng hôi miệng.
Saponin
Saponin là một chất có trong mọi loại trà, giúp tạo nên bọt trên bề mặt của các loại trà như Matcha. Lá trà có khoảng 0,1% saponin, điều này làm cho trà có vị đắng và se. Saponin có những đặc tính tốt cho sức khỏe như: chống nấm, chống viêm, chống dị ứng và có khả năng hạ huyết áp, phòng ngừa béo phì và cúm.
Flo

Trong cây trà có chứa nhiều flo. Lá trà già có hàm lượng flo cao hơn so lá trà non. Flo giúp bảo vệ răng khỏi axit bằng cách tạo một lớp phủ bên ngoài răng và có hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng.
Lưu ý khi uống trà xanh

Khi uống trà xanh bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Không uống trà xanh khi đói vì nó có thể gây hại cho dạ dày, khiến bạn dễ bị say trà - nhất là chè tươi
- Khi ăn thực phẩm giàu sắt, thì nên chờ 1- 2 tiếng sau mới uống trà để tránh bị giảm khả năng hấp thụ sắt
- Bạn cũng không nên dùng trà để uống thuốc
- Không uống quá nhiều trà, không uống quá đặc
- Người chuẩn bị phẩu thuật cần tránh sử dụng nước trà
Nếu có vấn đề về sức khỏe hay đang trị bệnh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống trà.