Củ kiệu mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu bạn sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.
Tìm hiểu về củ kiệu
Củ kiệu được biết đến với tên khoa học Allium Chinense, là một loại rau củ phổ biến thuộc họ Allium. Nguồn gốc của củ kiệu được cho rằng bắt nguồn từ Trung Quốc và nó được trồng ở nhiều quốc gia khác nhau. Củ kiệu có nhiều tên gọi đặc trưng như tỏi nhỏ, tiểu căn toán, dã toán, đại đầu thái tử, hỏa thông, và nhiều tên khác.
Củ kiệu được xem là "họ hàng" gần gũi với các loại rau củ như hành tây, hẹ tây, tỏi tây, hẹ và tỏi.
Cây củ kiệu thuộc loại cây thân thảo nhỏ, có phần củ màu trắng và hình dáng trái xoan thuôn. Lá mọc từ phần gốc, có hình dải hẹp, nửa hình trụ, với chiều dài từ 15 đến 60cm và chiều rộng từ 1,5 đến 4mm. Cụm hoa của củ kiệu có hình dạng tán kép, được nằm trên một cuống hoa dài từ 15 đến 60cm, thường mang từ 6 đến 30 tán hoa màu hồng hoặc màu tím. Củ kiệu có màu trắng, hình dạng tròn hoặc tròn dài tương tự như củ hành, nhưng thường nhỏ hơn củ hành, và có nhiều lớp màng mỏng bọc bên ngoài phần củ.
Củ kiệu có thể sử dụng cả phần củ và lá. Với hương vị khá nồng, vị hơi cay, nên củ kiệu thường được sử dụng để làm dưa kiệu muối, còn lá kiệu khá thơm nên được dùng làm gia vị như một loại rau thơm.
Bên cạnh việc sử dụng làm thực phẩm, củ kiệu còn được sử dụng làm thuốc phòng và chữa một số loại bệnh, đặc biệt là ở các khu vực có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nơi rừng núi, rét mướt và ẩm thấp.
Top 6 công dụng của củ kiệu đối với sức khỏe con người
Theo những nghiên cứu y học hiện đại, củ kiệu được biết đến với sự giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Việc bổ sung củ kiệu vào chế độ ăn hàng ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể như sau:
Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể
Củ kiệu giàu vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K, cũng như các khoáng chất như canxi, sắt, magie,... giúp cơ thể được cung cấp nhiều dinh dưỡng và từ đó khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, các acid trong củ kiệu muối chua sẽ giúp cơ thể hấp thụ các khoáng chất tối ưu hơn.
Hỗ trợ trị cảm, nâng cao đề kháng
Củ kiệu, cũng như các loại hành nói chung, đều có công dụng giải cảm tuyệt vời. Với hương vị cay nồng, tính ấm, nóng, cùng với các hợp chất và vitamin có trong củ kiệu, nên củ kiệu có thể hỗ trợ chữa cảm cúm hiệu quả. Thêm vào đó, việc thường xuyên tiêu thụ củ kiệu cũng có thể giúp sức đề kháng được cải thiện, nhờ củ kiệu có nhiều vitamin và khoáng chất.
Cải thiện tiêu hóa, trị táo bón
Củ kiệu muối chua sẽ có hiệu quả trong việc chữa trị các bệnh về tiêu hóa thường gặp, bao gồm: tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu. Đó là do củ kiệu sau khi chế biến và lên men sẽ tạo ra nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa. Cùng với các hợp chất kháng viêm, kháng khuẩn trong củ kiệu, sẽ giúp cơ thể phòng ngừa các bệnh về tiêu hóa.
Giúp hạ cholesterol, thúc đẩy lưu thông máu
Củ kiệu khi được chế biến và mang đi muối chua, thực phẩm này chứa lượng axit lactic dồi dào, thành phần này có khả năng hỗ trợ giảm đáng kể lượng cholesterol trong máu. Điều này không chỉ làm giảm mảng bám trong các mạch máu mà còn giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về bệnh tim mạch và đột quỵ. Tác dụng này của củ kiệu được nhiều người ưa chuộng.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Củ kiệu có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 60% theo một nghiên cứu khoa học. Điều này là nhờ vào các hợp chất chống oxy hóa có trong củ kiệu là quercetin, đây là một chất có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của các mảng bám trong mạch máu. Điều này sẽ giảm nguy cơ đột quỵ và bảo vệ hệ tim mạch khỏe mạnh.
Chống oxy hóa, kháng viêm
Củ kiệu có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm cao. Hợp chất quercetin có mặt trong củ kiệu giúp làm chậm sự sinh trưởng và phát triển của các tế bào gây hại và chống lại các gốc tự do gây hại. Đồng thời, các flavonoid trong củ kiệu còn kích thích cơ thể sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có tác dụng tích cực cho sức khỏe.
Việc kết hợp củ kiệu vào chế độ ăn hàng ngày đúng cách và đúng liều lượng không chỉ tăng hương vị cho món ăn, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe to lớn.
Trong Đông y củ kiệu có lợi ích gì?
Trong Đông y, củ kiệu được coi là một loại thảo dược có nhiều tác dụng. Với vị cay đắng và tính ấm, củ kiệu được coi là một phương pháp hỗ trợ cho ba kinh phế, vị và đại tràng.
- Củ kiệu có khả năng giúp thông dương, hoạt lợi, tán kết, hành khí
- Củ kiệu được sử dụng để giảm đau và làm ấm bụng, đặc biệt là trong trường hợp của những triệu chứng như đau bụng, khó thở, trị viêm mũi mãn tính, cơ khớp sung đau....
Các cách chữa bệnh từ củ kiệu được ghi trong sách Cây rau làm thuốc của Phó giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Chi bao gồm:
- Phụ nữ mang thai bị lạnh bụng, động thai: Sử dụng củ kiệu phối hợp với đương quy để tạo thành nước sắc uống. Gồm 32g củ kiệu, 6g đương quy
- Trị kiết lỵ: Chỉ cần 1 năm củ kiệu nấu cho ăn.
- Trị bỏng: Giã nhỏ củ kiệu, sau đó hòa chung với mật ong, vắt lấy nước cốt, làm sạch vào vùng bị bỏng rồi thoa vào phần bị bỏng.
- Tình trạng nôn khan: Sắc 1 nắm củ kiệu với 500ml nước, khi nước còn 250ml thì bạn chia ra và uống 3 lần/ ngày, thực hiện trong 3 ngày để giúp giảm triệu chứng nôn khan.