Lúa mùa là bạn đồng hành không thể thiếu của dân tộc Việt, Khmer và Hoa theo lối sống thuận tự nhiên trong quá trình khai mở và phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long hơn 300 năm qua. Suốt hành trình ấy, hàng ngàn giống lúa đã được tinh tuyển. Từng phương pháp, động tác trong việc trồng lúa mùa đều là kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo và miệt mài cải tiến của những người nông dân qua hàng trăm năm khai phá vùng đất này. Mỗi giai đoạn phát triển của cây lúa mùa đều gắn liền với cuộc sống thường nhật, theo thời gian, truyền qua nhiều thế hệ để tạo nên nền văn hóa độc đáo ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long xưa: văn hóa lúa mùa.
Hạt gạo từ lúa mùa là sự kết hợp tinh tuý của đất trời và tình người. Thưởng cơm từ gạo lúa mùa không chỉ giúp mình tưởng nhớ công ơn tiền nhân đã dày công mở đất mà còn là cách để trở về với đời sống thuận tự nhiên của cha ông ta. Tự hào với việc bao tiêu sản phẩm lúa gạo của bà con vùng Châu Thành, Kiên Giang, Lê Gia từng bước phát triển và đồng hành với bà con trên từng cánh đồng, giúp nâng cao vị thế của hạt gạo quê hương.